Tướng thời loạn Thạch_Lặc

Trả thù Tư Mã Đằng

Loạn bát vương tràn đến Ký châu, Thạch Lặc tập hợp 18 đồng đảng đi làm cướp, còn Cấp Tân làm chủ đứng ra phân chia của lấy được.

Cấp Tân vốn là thủ hạ của Công Sư Phiên - một bộ tướng của hoàng thân Tư Mã Dĩnh, một người tham chiến trong loạn bát vương. Năm 306, Tư Mã Dĩnh chết, Công Sư Phiên lại khởi binh báo thù cho chủ, Cấp Tân và Thạch Lặc hưởng ứng. Phiên chết, Cấp Tân và Thạch Lặc vẫn không chịu bãi binh, mang quân đánh chiếm Nghiệp thành, giết Tân Thái vương Tư Mã Đằng.

Tư Mã Việt cầm quyền ở Lạc Dương sai Tuân Hi mang quân đánh chiếm lại được Nghiệp thành. Thạch Lặc thua chạy về hàng vua Hán Triệu là Lưu Uyên.

Lừa giết Vương Di

Lưu Uyên vốn là thủ lĩnh người Hung Nô, nhân loạn bát vương đã khởi binh chống nhà Tấn, lập ra nước Hán Triệu từ năm 304.

Lưu Uyên trọng dụng Thạch Lặc, cho cầm một cánh quân độc lập tác chiến đi đánh Tây Tấn. Năm 309, Thạch Lặc làm An Đông tướng quân, trong tay có 10 vạn quân, hoạt động ở vùng Cự Lộc, Thường Sơn[3]. Ông thu dụng các nhân sĩ người Hán, dùng Trương Tân làm mưu sĩ.

Năm 310, Lưu Uyên chết, con là Lưu Thông lên ngôi. Năm 311, Thạch Lặc được lệnh của Lưu Thông cùng Vương Di đi đánh Lạc Dương. Quân Hán thắng lớn, hạ được kinh đô nhà Tấn, bắt Tấn Hoài Đế mang về Bình Dương. Sau đó hai tướng lại được lệnh đi đánh các thành phía đông nhà Tấn. Sau khi cùng tạo dựng được căn cứ lãnh địa riêng, ông và Vương Di bất hoà, muốn thanh trừng lẫn nhau.

Lúc mãnh tướng của Di là Tào Nghi đi đánh Thanh châu, đang giằng co với thứ sử Tuân Hi (nhà Tấn), Vương Di lực lượng yếu ớt không đánh nổi quân Tấn dưới quyền Lưu Thụy. Di phải cầu cứu Thạch Lặc. Ông định mặc cho Vương Di nguy khốn, nhưng Trương Tân khuyên rằng nên nhân đó diệt cả hai. Thạch Lặc bèn mang quân đến đánh bại và giết Lưu Thuỵ.

Sau đó ông mời Vương Di đến gặp mặt uống rượu. Di vốn được cứu nên ngỡ là Thạch Lặc có lòng tốt nên đến hội ngộ với Thạch Lặc. Khi Di đến nơi liền bị ông bắt trói lại và giết luôn. Ông dâng thư lên vua Hán Triệu là Lưu Thông, nói Di mưu phản nên phải giết đi. Lưu Thông nghe tâu báo, biết ông tự ý giết Di nhưng không thể chế ngự được nên đành bỏ qua không hỏi đến.

Thạch Lặc từ đó làm chủ Thanh Châu và Thường Sơn.

Lừa giết Vương Tuấn

Trong khi Lưu Thông tập trung tấn công Trường An để tiêu diệt lực lượng nhà Tấn còn thoi thóp của Tấn Mẫn Đế, Thạch Lặc phải đương đầu với hai tướng nhà Tấn hùng cứ ở phía bắc là Vương Tuấn ở U châu - Ký châu và Lưu Côn ở Tinh châu.

Năm 312, Thạch Lặc ly khai vua mới của Hán Triệu là Lưu Thông, chiếm giữ Tương Quốc, giáp ranh và trở thành đối địch với Vương Tuấn. Tháng 12 năm đó, Vương Tuấn sai con Đoàn Vụ Vật Trần là Đoàn Tật Lục Quyến cùng các anh em họ Đoàn mang 5 vạn quân đánh Tương Quốc. Quân họ Đoàn mạnh mẽ, mấy lần đánh bại Thạch Lặc. Thạch Lặc dùng kế của mưu sĩ Trương Tân, giả yếu ớt rút vào thành. Quân họ Đoàn vây lâu ngày trễ nải, không đề phòng. Thạch Lặc bèn mang quân ra đánh úp, phá tan, bắt sống được Đoàn Mạt Phôi.

Thạch Lặc nhân đó bèn dùng Mạt Phôi để đàm phán với Đoàn Tật Lục Quyến. Ông ra điêu kiện thả Mạt Phôi nếu Lục Quyến không hợp tác với Vương Tuấn. Kết quả Lục Quyến bằng lòng giảng hoà với Thạch Lặc, không giúp Vương Tuấn nữa.

Vương Tuấn không còn sự trợ giúp của họ Đoàn, thế lực yếu đi, nhưng vẫn tin theo sấm truyền cho rằng mình sẽ làm hoàng đế. Theo kế của Trương Tân, Thạch Lặc vẫn phỉnh nịnh Vương Tuấn. Tháng 12 năm 313, ông sai người mang nhiều châu báu tới dâng Vương Tuấn, tự xưng là "Tiểu Hồ", xin hàng dưới trướng và suy tôn Tuấn làm vua. Vương Tuấn không hề nghi ngờ gì.

Tháng 2 năm 314, Thạch Lặc ra quân đánh U châu, tháng 3 đi tới Dịch Thuỷ. Tướng ở Dịch Thuỷ phi báo cho Vương Tuấn, xin chuẩn bị nghênh chiến. Nhưng Vương Tuấn vẫn đinh ninh Lặc trung thành với mình nên ra lệnh trong quân không được cản đường Thạch Lặc.

Sáng ngày 3 tháng 3, quân Thạch Lặc đến dưới thành gọi mở cửa. Cửa mở, quân họ Thạch ùa vào ra sức đánh giết. Thạch Lặc tiến thẳng lên phủ, Vương Tuấn khi đó mới biết là bị lừa thì đã bị bắt. Thạch Lặc mang Tuấn về Tương Quốc chém đầu.